Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã kéo theo rất nhiều công nghệ in ấn mới ra đời. Nổi bật lên tất cả là hai công nghệ in chuyển nhiệt và in lưới. Mỗi loại có những điểm mạnh của riêng mình để đáp ứng với nhu cầu sử dụng riêng của mỗi khách hàng. Vậy sự khác nhau của 2 công nghệ này là gì để tạo nên sự riêng biệt đó.
Khái niệm và chất liệu in của mỗi công nghệ
Trước hết in chuyển nhiệt được hiểu đơn giản là công nghệ sử dụng nhiệt độ cao và thuốc nhuộm rắn để tạo ra hình ảnh chất lượng cao. Điểm nổi bật nhất của công nghệ này là in các họa tiết có độ nét cao, nhiều màu sắc, sử dụng phổ biến nhất cho áo thun
Trong khi đó in lưới (hay in lụa) là một dạng kỹ thuật in dựa trên nguyên lý mực thấm qua lưới hình ảnh sẽ được in lên bề mặt vật liệu bởi trước đó một số mắt lưới in đã được bịt kín bằng hóa chất.
Qua khái niệm có thể thấy được sự khác nhau của 2 công nghệ đến ngay từ chất liệu cho đến kỹ thuật in của mỗi loại. Với in chuyển nhiệt thì mực nhiệt sẽ thấm trực tiếp vào từng sợi vải nên độ bền màu cao, màu sắc trung thực, hình ảnh rõ nét, thích hợp in áo đôi, áo có số lượng ít và màu sắc nhiều hay màu chuyển.
Còn lại đối với in lưới thì dùng chất liệu chủ yếu là in mực cao su. In mực cao su lên áo sẽ có độ đàn hồi cao, hình in bóng và có độ nổi. Độ dày và bóng của hình in phụ thuộc vào số lớp in và chất liệu mực.
Kỹ thuật in của 2 công nghệ
Công nghệ in chuyển nhiệt có kỹ thuật in tương đối đơn giản. Nó sử dụng một loại mực riêng biệt gọi là mực in chuyển nhiệt. Nguyên lý in của công nghệ này trước hết sử dụng mực in lên giấy chuyển nhiệt. Hình in được in trực tiếp từ phần mềm Adobe llinustator lên giấy in chuyển (trung gian), sau đó mới đặt tờ giấy này lên áo và dùng hơi nóng của máy ép nhiệt để chuyển hình in từ giấy sang vật liệu cần in.
Ưu điểm quan trọng của in chuyển nhiệt đó chính là chất lượng mà nó mang lại, với hình ảnh sắc nét, chất lượng luôn được đánh giá cao và bền màu đặc biệt là dành được một điểm cộng lớn trong ngành thời trang ngày nay khi mà kỹ thuật in lên vải vô cùng phổ biến.
Trong khi đó in lưới là một công nghệ khá lâu đời. Quá trình in lưới người ta sử dụng một khung gỗ sau đó căng một tấm lụa mỏng như khung thêu. Nên khi trước phương pháp in này còn được gọi là in lụa và sau này đã có một số vật liệu khác có thể thay thế như vải bông, vải sợi, lưới kim loại nên cách gọi chung là kỹ thuật in lưới.
Ngoài ra còn có một vật dụng không thể thiếu của công nghệ in này là vật liệu không thấm mực dạng tấm dùng để kéo lụa gọi là dao. Dao gạt hồ in là công cụ dùng để đẩy, phết mực màu khiến mực thấm qua lưới in, chuyển mực lên sản phẩm cần in. Điểm quan trọng của công nghệ in này là cho dù in thủ công hay in máy thì yêu cầu quan trọng nhất đối với bàn in là phẳng, chắc và có độ đàn hồi nhất định để khuôn in có thể tiếp xúc đều với mặt sản phẩm in.
Điểm mạnh của mỗi công nghệ in
Qua sự so sánh phân tích từ đầu bài viết tới bây giờ có thể thấy in chuyển nhiệt có nhiều lợi thế hơn khá nhiều so với in lưới. Thao tác in chuyển nhiệt thực hiện khá đơn giản không đòi hỏi quá nhiều về mặt kỹ thuật. Ngoài ra có thể in dễ dàng được hình ảnh lên vải. Độ bền của hình in rất cao, không bị ảnh hưởng khi giặt thông thường nếu được in đúng chủng loại vải. Một điểm mạnh không thể không nhắc đến của công nghệ này là phù hợp với rất nhiều chất liệu in khác nhau. Ngoài vải ra còn có thể in lên pha lê, đá,...
Đối với công nghệ in lụa thì có 2 kiểu bên trong nó là in thủ công và in bằng máy. Nhưng cho dù là theo mô hình nào thì ưu điểm của nó vẫn là chi phí thấp, in số lượng nhiều, có thể in trên nhiều loại chất liệu khác nhau, chủ động về màu sắc. Điểm trừ của công nghệ này là độ bền khi mà sau một thời gian sử dụng màu sắc dễ bị phai và bong tróc nhanh chóng.
Trong sự phát triển như vũ bão của kỹ thuật công nghệ nhưng có thể thấy 2 công nghệ in này đang có những điểm mạnh riêng có của mình. Trong đó in chuyển nhiệt đang mang lại một đột phá thực sự trong lĩnh vực in ấn. Nhờ nó mà nhiều vật dụng được gia tăng giá trị sản phẩm một cách dễ dàng. Bên cạnh đó in lụa cũng cho thấy công nghệ in lâu đời này không phải ngẫu nhiên mà tồn tại cho đến ngày nay.