Giữa cơ ngơi bề thế ngày nay của hãng Epson ở tỉnh Nagano (Nhật Bản), khách phương xa trào dâng một cảm xúc khó tả khi đứng trước hình ảnh nhà xưởng đầu tiên vào thời khởi nghiệp năm 1942 của tập đoàn công nghệ toàn cầu này. Đó là một nhà kho cũ rộng 230 mét vuông của một xưởng chế biến món tương bột đậu nành miso ở thành phố Suwa. Epson đã khởi đầu từ một công ty nhỏ có 22 công nhân chuyên gia công linh kiện cho thương hiệu đồng hồ Seiko. Đó là lý do mà hiện nay, tên đầy đủ của công ty vẫn là Seiko Epson. Và đồng hồ hiệu Seiko vẫn là một trong các sản phẩm chính của công ty.
Góc lịch sử hình thành của Epson. Trong những khung ảnh tư liệu là hình ảnh nhà sáng lập Epson Hisao Yamazaki và xưởng chế biến món tương bột đậu nành.
Cái tên Epson chỉ mới ra đời sau này và xuất phát từ ngành máy in. Tháng 9-1968, hãng Shinshu Seiki thuộc tập đoàn Seiko sản xuất ra chiếc máy in điện tử (Electronic Printer, EP) mini đầu tiên của thế giới, đặt tên là EP-101. Tới tháng 6-1975, thương hiệu Epson ra đời và đã được gắn vào thế hệ máy in mới dựa trên mẫu EP-101. Epson chính là EP+Son. Và vào tháng 7-1982, Shinshu Seiki chính thức mang tên mới là Epson Corporation. Tới tháng 11-1985, Suwa Seikosha Co., Ltd. và Epson Corporation hợp nhất thành Seiko Epson Corporation.
Sự phát triển của Epson gắn liền với những nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) không ngừng nghỉ ngay từ những ngày đầu tiên. Epson đã đầu tư rất hào phóng cho lĩnh vực R&D. Kết quả là hãng đã sở hữu vô số bằng phát minh, sáng chế. Epson liên tục là một trong những nhà sáng chế hàng đầu ở Nhật Bản và nước ngoài. Cụ thể là các phát minh, sáng chế về máy in: đứng số 1 ở Nhật Bản và số 2 ở Mỹ; về máy in phun: số 1 ở Nhật Bản và số 3 ở Mỹ; vế máy chiếu: số 1 ở cả Nhật Bản lẫn Mỹ.
Tháng 6-1978, máy in kim 80 cột TX-80 được đưa ra thị trường và sau 2 năm phát triển thêm, model cải tiến MX-80 ra đời năm 1980 trở thành máy in bán chạy nhất ở Mỹ. Năm 1982, Epson sản xuất được máy tính cầm tay (handheld computer) đầu tiên của thế giới HC-20. Năm 1983, hãng lại đưa ra TV LCD màu di động đầu tiên của thế giới. Năm 1994, Epson có máy in phun màu độ phân giải cao (720 x 720) đầu tiên của thế giới. Epson còn phát triển cả máy ảnh số, máy tính xách tay, màn hình hiển thị, robot,…
Nhưng điều làm nên tên tuổi cho Epson vẫn là máy in và máy chiếu (projector). Hiện nay, các sản phẩm có liên quan tới công nghệ thông tin chiếm tới 73% tổng sản lượng của Epson. Trong đó, các sản phẩm tin học và hình ảnh (bao gồm cả máy in và máy chiếu) chiếm tỷ lệ áp đảo tới 83%.
Trên thị trường thế giới, Epson vẫn đang dẫn đầu về nhiều chủng loại máy in như máy in phun, máy in kim, máy in khổ lớn,… cũng như giữ vị trí số 1 từ năm 2010 về máy chiếu.
Cho tới tận ngày nay, giữa kỷ nguyên của in phun và in laser, các dòng máy in kim của Epson vẫn còn có mặt tại các quầy tính tiền và các văn phòng cần in giấy nhiều liên. Epson vẫn đang dẫn đầu thế giới về máy in kim với thị phần 58%.
Từ lâu nay, nói tới Epson là người ta nghĩ ngay tới dòng máy in phun. Đó thật sự là một thế mạnh của Epson. Khởi đầu với SQ-2000, chiếc máy in phun đầu tiên ra đời năm 1984.
Năm 1990, một nhóm 80 kỹ sư Epson do ông Minoru Usui, hiện là Tổng giám đốc Epson, đứng đầu đã phát triển được đầu in phun áp điện (piezoelectricity, áp điện học: hiện tượng vật chất thay đổi hình dạng khi có dòng điện kích vào). Epson gọi đó là công nghệ Micro Piezo. Thuật ngữ này có nghĩa: Micro (tí hon) và Piezo (viết gọn của piezoelectricity). Công nghệ này sử dụng một tinh thể piezoelectric ở mỗi vòi phun với cơ chế không làm nóng mực ở đầu phun tromng khi phun mực lên giấy. Tháng 3-1993, Epson Stylus 800 là máy in phun đầu tiên ứng dụng công nghệ Micro Piezo.
Cho tới nay, trên thế giới đang tồn tại song song 2 công nghệ in phun. Bên cạnh công nghệ Micro Piezo độc quyền của Epson, các hãng khác sử dụng công nghệ nhiệt (Thermal Method) cho máy in phun. Theo đó, mực in được nung nóng ở đầu in dãn nở ra thành những bong bóng bắn lên giấy
Công nghệ Micro Piezo có ưu thế là có thể linh hoạt trong việc chọn loại mực, đạt độ bền cao, kiểm soát chính xác.
Epson vẫn không ngừng phát triển để nâng cao công nghệ Micro Piezo của mình. Năm 2007, đầu phun Thin Film Piezo dạng phim mỏng bắt đầu được ứng dụng nâng công nghệ in phun Micro Piezo lên một tầm cao mới. Các lỗ phun nhỏ hơn và có mật độ dày hơn (gấp đôi thế hệ trước) giúp tăng độ chính xác, độ nét và tốc độ in. Mới nhất là năm 2010 này, đầu in mới Micro Piezo TFP 10-ink channel (ứng dụng trên máy in Stylus Pro 9900/7900) đạt độ phủ màu Pantone tới 98%, cao nhất trong công nghệ in phun. Cũng trong năm 2010, dòng máy in Epson ME Office được trang bị đầu phun đã được hiệu chỉnh lại về kỹ thuật tăng từ 4 lên 6 hàng vòi phun, tăng chiều dài các hàng vòi phun, nhờ vậy tăng số vòi phun lên 42% giúp tăng tốc độ in nhanh hơn mà không làm ảnh hưởng tới chất lượng in.
Hiện nay, công nghệ đầu in Micro Piezo được ứng dụng trong tất cả các dòng máy in phun Epson, từ máy in tem phiếu nhỏ xíu tới những dàn máy in công nghiệp.
Công bằng mà nói, trong lĩnh vực in ảnh số bằng máy in phun, Epson vẫn luôn là vô địch. Chất lượng in vượt trội của Epson là kết quả của sự kết hợp giữa phần cứng (máy in), phần mềm điều khiển, mực in và giấy in. Epson liên tục nghiên cứu để đưa ra những thế hệ mới ngày càng tiên tiến hơn cho cả 4 thành tố này
Epson đã xác định mục tiêu của mình là cung cấp các sản phẩm vá dịch vụ in ấn vượt qua cả nhu cầu và sự mong đợi của người dùng trên khắp thế giới, dựa trên công nghệ Micro Piezo lõi và các công nghệ in ấn khác. Điều đó được thể hiện ngay trên slogan đi kèm logo Epson là “Exceed Your Vision” (Vượt qua tầm nhìn của bạn).
Cuối cùng, Epson tạo được sự tin tưởng đối với sự phát triển của mình khi đưa ra những cam kết về môi trường. Từ những năm qua, Epson đã tiến hành thu hồi các hộp mực bằng nhựa để tái chế thành những dụng cụ văn phòng và gia dụng. Trong Tầm nhìn về môi trường tới năm 2050, Epson đặt ra mục tiêu giảm tới 90% khí thải hiệu ứng nhà kính CO2 xuyên suốt vòng đời tất cả các sản phẩm và dịch vụ của mình. Trước mắt, tới năm 2015, Epson sẽ phấn đấu giảm một nửa các ảnh hưởng về môi trường của các sản phẩm chủ chốt do mình sản xuất.
Quy trình thu gom và tái chế vỏ hộp mực của Epson
Từ các vỏ hộp mực tái chế, Epson chế tạo ra nhiều vật dụng gia dụng phục vụ trở lại cuộc sống cộng đồng.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Nagano - Nhật Bản tháng 11-2010)
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHỤP TRONG CHUYỂN PRESS TOUR Ở NHẬT BẢN
Ông Minoru Osui, chủ tịch Epson toàn cầu (bên phải) và ông Koichi Endo chủ tịch Epson Đông Nam Á và Nam Á
Ông Koichi Endo chủ tịch Epson Đông Nam Á và Nam Á (trái) và ông Nguyễn Trung Hưng chủ tịch kiêm CEO công ty Đồng Nam nhà phân phối Epson ở Việt Nam với chiếc máy in phun Epson LetterJet-HS-80
Chiếc máy in phun Epson LetterJet HS-80 ra đời năm 1985. Lúc đó được bán với giá 449 USD.
Những chiếc đồng hồ Seiko Quartz.
Chiếc đồng hồ Crystal Chronometer của hãng Epson được sử dụng tại Olympics Tokyo 1964.
Chiếc máy ảnh của hãng Epson được sử dụng tại Olympics Tokyo 1964.
Máy in nhãn dùng công nghệ in phun với đầu in Micro Piezo.
Máy in nhãn TM-C610 dùng công nghệ in phun với đầu in Micro Piezo.
Những model máy in phun khổ lớn của Epson.
Máy in công nghiệp SurePress L-4033A của Epson dùng công nghệ in phun với hệ thống đầu phun Micro Piezo Multi-Print Head gồm 15 đầu phun. Mực 8 màu.
Hệ thống Micro Piezo Multi-Print Head Array gồm 15 đầu phun
Máy in phun màu Colorio EP-903A, 6 màu, độ phân giải 5760 x 1440 dpi, kết nối mạng LAN.
Máy quét Epson GT-X820 có đọ phân giải tới 6400 dpi